.

Call: 0915 265 267

yentamcaoviet@gmail.com

tiwtter.comyoutube.comfacebook.com
Tiếng Việt Tiếng Trung Tiếng Anh

04 VIỆC PHẢI LÀM GẤP ĐỂ PHÒNG TRÁNH BÃO SỐ 5 (BÃO MATMO) CHO NHÀ YẾN.

tamcaoviet - 30/10/2019

Bão số 5, có tên quốc tế là bão MATMO, là một trong số 27 cơn bão xuất hiện trong mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương năm 2019. Bão số 5 có sức gió lớn, hình thành nhanh, hướng đi hướng thẳng vào Biển Đông và khả năng đổ bộ vào các tỉnh ven biển miền Trung nước ta như: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi,…là rất cao. Trước diễn biến bão ngày một mạnh lên, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã thường xuyên cập nhật thông tin bão kịp thời tới người dân để phòng tránh:

Bão khẩn cấp

Trong 03 giờ vừa qua, bão số 5 đã mạnh lên.

Hồi 07 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Bình Định-Khánh Hòa khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (90km/giờ), giật cấp 11-12.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 07 giờ ngày 31/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Cam-pu-chia.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 11,0 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Gió mạnh trên đất liền

Từ trưa và chiều nay (30/10), trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 10-11; Đà Nẵng, Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; Ninh Thuận có gió giật cấp 6-7; Gia Lai, Đắc Lắk gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Mưa rất lớn ở Trung Bộ và Tây Nguyên

Trong 02 ngày 30-31/10, ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to (Tổng lượng mưa 300-400mm/đợt, riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400-600mm/đợt). Từ ngày 31/10 đến 02/11 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (Tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 300-500mm/đợt).

Cảnh báo: Từ ngày 04-05/11, mưa lớn có khả năng xuất hiện trở lại ở các tỉnh Trung Bộ.

phong-chong-bao-so5-2019-cho-nha-yen
Hình ảnh đường đi và vị trí cơn bão số 5 năm 2019 (bão Matmo).
Nguồn ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy Trung Ương

.

Đứng trước ảnh hưởng của bão, các chủ nhà yến nằm trong khu vực ảnh hưởng cũng cần gấp rút chuẩn bị trong công cuộc phòng chống bão, trong đó 04 VIỆC PHẢI LÀM GẤP ĐỂ PHÒNG TRÁNH BÃO SỐ 5 (MATMO) CHO NHÀ YẾN như sau:

1. Chằng chống nhà yến một cách kiên cố:

  • Lắp đè các thanh thép lên các mái tôn nhà yến và chuồng lượn, các viền cạnh xà gồ, dầm của mái nhà. Các xà gồ, dầm nhà phải được cố định vào tường một cách chắc chắn. Nếu có thể hãy dùng dây cáp chằng chéo chữ X lên mái tole để giảm thiểu tác hại khi gió bão vào nhà yến.

  • Dùng các bao tải chứa đất, cát đặt lên mái nhà. Tuy nhiên cần lưu ý nếu nhà yếu, không chắc chắn thì việc chặn các bao tải cát, đất lên quá nhiều khiến nhà có thể bị sập không phải do bão, mà do mái nhà quá nặng, cột kèo không chịu nổi.

  • Đóng chặt tất cả các cửa chim sau khi chim đã về hết, và các lỗ thông gió nhà chim nhất là hướng đông.

  • Nếu cảm thấy căn nhà không thể trụ được trong gió bão, lúc này nguy cơ tốc mái là rất lớn. Mở cửa thông gió phía đối diện với hướng gió để gió thoát ra, giảm áp lực lên mái nhà. Tuyệt đối không mở cửa phía hướng gió bão đến.

2. Kiểm tra, thực hiện biện pháp bảo vệ hệ thống máy móc thiết bị bên trong nhà yến:

  • Kiểm tra tổng thể máy móc thiết bị bên trong nhà yến

  • Tắt hệ thống phun sương tạo ẩm.

  • Đưa máy móc, thiếu bị dưới nền nhà lên cao 1,5 mét hoặc có thể cao hơn để đảm bảo an toàn

  • Khi lũ vào nhà yến nên tắt tất cả thiết bị có điện để ngăn chặn các sự cố không mong muốn xảy ra.

  • Luôn mang ủng khi vào nhà yến.

3. Thường xuyên cập nhật thông tin bão lũ:

  • Theo dự báo, bão có nguy cơ lũ là rất lớn, chủ nhà yến cần thường xuyên theo dõi thông tin mưa lũ, các cảnh báo về tình hình thời tiết và sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương thông qua các phương tiện truyền hình, đài phát thanh, hệ thống truyền thanh xã, phường… để kịp thời ứng phó. 

4. Ngoài ra, cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão như:

  • Nên trú ẩn dưới gầm bàn, gầm giường để đảm bảo an toàn nhất là khi ở trong những căn nhà không mấy chắc chắn. Bởi nếu căn nhà bị sập do bão, bạn có thể cầm cự cho đến khi có người đến cứu.

  • Không ở gần các trụ điện hoặc trú mưa dưới các cây lớn khi trời có sấm sét, giông bão.

  • Lau tay khô ráo khi chạm vào dây dẫn hoặc thiết bị điện. Khi rút phích cắm điện phải nắm vào phần vỏ nhựa của thân phích cắm, không được nắm vào dây dẫn điện. 

  • Khi có người bị điện giật, hãy ngắt cầu giao điện, đẩy nạn nhân khỏi vật dẫn điện bằng ghế gỗ, sào tre. Hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim, cơ miệng rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

  • Bão sẽ thường kèm theo sấm sét nên tuyệt đối không lên mái nhà khi mưa bão đang diễn ra.

  • Chủ động tham gia việc khơi thông lòng suối chảy qua làng, bản trước khi bão đổ bộ để giảm thiểu nước ứ đọng có thể gây ngập lụt cục bộ.

  • Không đi qua suối, đánh bắt cá, vớt củi trên suối khi bão đang diễn ra.

  • Chủ động sơ tán ra khỏi vùng có cảnh báo nguy hiểm cao khi có lệnh của chính quyền địa phương.

  • Báo cáo ngay cho chính quyền địa phương khi phát hiện thấy các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất và sự cố các công trình hồ đập thuỷ lợi, thuỷ điện…

Sau mưa bão, kịp thời thực hiện công tác vệ sinh, khắc phục hậu quả hoặc chủ động liên hệ các đơn vị kỹ thuật để được hỗ trợ xử lý. 

Trên đây là một số chia sẻ cho bà con nghề nuôi yến lưu tâm để bảo vệ tính mạng và nhà yến của mình.

Các chủ nhà yến hãy thực hiện ngay từ bây giờ trước khi bão đổ bộ vào đất liền!

HN


Tin tức liên quan