Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 34 ổ dịch cúm gia cầm do virus cúm A/H5N1 và A/H5N6 gây ra tại 10 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 100.000 con gia cầm, các chủng virus này có khả năng lây nhiễm và gây tử vong ở người. Vì vậy bệnh rất dễ lây lan giữa các đàn gia cầm, thủy cầm, thậm chí với chim, trong đó có chim yến.
Cúm gia cầm là gì?
Cúm chim (avian influenza hay bird flu) hay cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus gây ra cho các loài chim và có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Virus này được phát hiện lần đầu tiên tại Ý cách đây hơn 100 năm và giờ đây phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A của họ Orthomyxoviridae. Vỏ của virus cúm A bản chất là glycoprotein bao gồm 2 kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hoà N (Neuraminidase). Có 15 loại kháng nguyên H (H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Những cách tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các phân týp khác nhau của virus cúm A.
Tại Việt Nam đã phát hiện virus cúm H5N1 trên loài chim yến , trước đó chủ yếu chỉ phát hiện trên đàn gia cầm, thủy cầm, chim cút. Ngoài ra, một số chủng virus cúm khác cũng có thể có nguy cơ gây bệnh lây truyền sang người qua loài chim yến.
Phương thức lây truyền
Virus cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người do tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc bất kỳ bộ phận nào của gia cầm bị bệnh (bao gồm cả phân và lông). Sự lây nhiễm có thể xảy ra qua các đường sau:
- Qua tiếp xúc trực tiếp như: giết mổ, vận chuyển, mua bán hoặc cầm, sờ vào gia cầm bị nhiễm bệnh.
- Qua ăn, uống:
+ Thịt và các sản phẩm gia cầm bị nhiễm bệnh.
+ Thịt và các sản phẩm của gia cầm không được nấu chín kỹ như trứng, tiết canh, …
Về lý thuyết, mọi người đều có khả năng cảm nhiễm với virus cúm A/H5N1. Tuy nhiên, vì là virus của loài chim và gia cầm nên khả năng gây bệnh, lan truyền ở người là rất thấp. Trong hàng trăm týp virus cúm gia cầm, hiện chỉ có 4 chủng được biết là gây bệnh ở người, đó là H5N1, H7N3, H7N7 và H9N2. Nhìn chung, người thường mắc thể nhẹ, rất ít khi bị nặng trừ khi nhiễm H5N1. Trên thực tế, khả năng lây nhiễm virus cúm A/H5N1 là rất khác nhau. Nhiều người cùng bị phơi nhiễm với virus cúm A/H5N1 nhưng chỉ có một số rất ít người mắc bệnh. Hiện nay, người ta chưa biết rõ yếu tố nào làm tăng cảm nhiễm với virus. Một số người cho rằng yếu tố cơ địa hay yếu tố kháng nguyên phù hợp tổ chức đóng vai trò quan trọng đến tính cảm nhiễm với bệnh.

Ảnh: internet.
Vậy làm cách nào để phòng chống được dịch bệnh trên chim yến?
Dưới đây là 14 điều cần biết để phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong việc nuôi chim yến:
Trường hợp 1: Khi chưa có dịch bệnh trên đàn chim yến
- Chủ sơ sở nuôi chim yến cần khai báo với cơ quan thú y địa phương theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2013/TT-BNN&PTNT ngày 22/7/2013 của Bộ NN-PTNT về việc Quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến.
- Người nuôi chim yến cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus cúm A/H5N1 và các virus khác cho bản thân và gia đình mình. Khi chăm sóc yến và khách thăm quan cần áp dụng các biện pháp bảo hộ lao động như đeo khẩu trang, giày, ủng, găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết của chúng. Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên trước khi vào và sau khi ra khỏi cơ sở nuôi chim yến. Đảm bảo ăn chín, uống sôi...
- Nhà nuôi chim yến phải làm vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng định kỳ ít nhất 1 lần/tuần. Không sử dụng chất khử trùng ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến.
- Dụng cụ phục vụ việc khai thác tổ yến phải được làm vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi sử dụng.
- Chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp hoặc phương pháp khác nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa ra môi trường.
- Cơ sở nuôi chim yến phải thường xuyên giám sát tình trạng sức khỏe của đàn chim yến. Khi thấy những biểu hiện bất thường từ đàn chim như ốm, chết hoặc rơi tự do tại khu vực nuôi thì cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương.
Trường hợp 2: Khi có bệnh, dịch bệnh trên đàn chim yến
1. Cơ sở nuôi chim yến phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền. Trong thời gian có dịch, tất cả tổ yến được khai thác từ những địa phương đã công bố dịch phải được xử lý theo hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền trước khi tiêu thụ.
2. Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác giám sát, phát hiện, báo cáo, lấy mẫu xét nghiệm đàn chim nuôi nghi bị mắc bệnh Cúm gia cầm cũng như các bệnh nguy hiểm khác trên gia cầm.
3. Thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng cơ sở nuôi chim yến theo hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương.
4. Tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm trong đàn bị bệnh bằng 2 biện pháp:
- Đốt: Đào hố, đốt dưới hố với củi, rơm rạ hoặc dầu, sau đó lấp đất lại hoặc đốt bằng lò đốt chuyên dụng.
- Chôn: Đào hố sâu, rộng tuỳ thuộc vào số lượng yến nhiều hay ít, lớp đất trên yêu cầu tối thiểu cách mặt đất 1m, đáy và thành hố được lót bằng ni lông chống thấm, số gia cầm chôn phải đựng trong bao, bên trong có hoá chất khử trùng. Việc chôn, đốt phải đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Những người thực hiện việc tiêu huỷ gia cầm phải có trang bị bảo hộ phòng lây nhiễm.
5. Hạn chế đến mức tối đa việc đi lại trong chuồng nuôi.
6. Các phương tiện, dụng cụ chăn nuôi nên riêng biệt và vệ sinh tiêu độc sau khi sử dụng.
7. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun thuốc sát khuẩn định kỳ 1 - 3 lần/tuần tuỳ theo mức độ và tính chất nguy cơ của dịch bệnh. Những người vào khu chăn nuôi phải thực hiện biện pháp khử trùng trước và sau khi ra vào chuồng nuôi.
8. Người chăm sóc nhà yến, khai thác tổ yến khi có biểu hiện nghi ngờ như sốt cao, khó thở, thì cần đến khám tại các cơ sở y tế để tránh biến chứng, nguy cơ tử vong đáng tiếc.
Ngoài “14 điều cần biết…..” nêu trên, còn rất nhiều những lưu ý khác mà người nuôi chim yến phải tìm hiểu. Hãy chia sẻ kiến thức phòng chống dịch bệnh trên chim yến của mình với cộng đồng để góp phần bảo vệ sức khỏe đàn yến Việt cũng như bảo vệ sức khỏe con người nhé!
Đọc thêm văn bản hướng dẫn của Sở Y tế Bình Định về các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây nhiễm từ động vật sang người trong hoạt động nuôi chim yến TẠI ĐÂY.
HN
Tin tức liên quan
- + Hướng dẫn chi tiết cách đăng ký mã định danh nhà yến online04/08/2023
- + Những quy định liên quan đến xây dựng nhà nuôi yến ở Tây Ninh27/03/2023
- + Xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc cần đáp ứng những tiêu chuẩn nào?21/11/2022
- + [BÁO GIÁ] CHI PHÍ XÂY DỰNG VÀ LẮP ĐẶT NHÀ YẾN TRỌN GÓI NĂM 202310/11/2022
- + Cách nhận sách về kỹ thuật nuôi yến miễn phí.02/08/2022
- + NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC NUÔI CHIM YẾN06/01/2021
- + Chung tay bảo tồn đàn yến, tiến đến xuất khẩu chính ngạch16/11/2020
- + Nuôi yến trong khu dân cư, có bị cấm hay không?22/12/2018
- + Bình Thuận sẽ có quy định về nuôi chim yến07/11/2020
- + Chim yến chết hàng loạt, nguyên nhân vì đâu?22/12/2018